Khi nào phải thành lập chi nhánh
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh cho doanh nghiệp.
Căn cứ Luật Doanh nghiệp 2020, chi nhánh được định nghĩa là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Chi nhánh được phép tiến hành hoạt động kinh doanh vì mục đích sinh lời nhưng ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
Chi nhánh, văn phòng đại diện hay địa điểm kinh doanh đều là các đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thay vì thành lập văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì nhiều doanh nghiệp lựa chọn thành lập chi nhánh. Vậy khi nào phải thành lập chi nhánh và trình tự, thủ tục thực hiện ra sao? Hãy theo dõi bài viết dưới đây để có lời giải đáp.
Khi nào phải thành lập chi nhánh?
Khi nào phải thành lập chi nhánh? Đó là khi doanh nghiệp phát triển sau một thời gian dài hoạt động và có mong muốn mở rộng thị trường kinh doanh thì nên thành lập chi nhánh.
So với các đơn vị phụ thuộc khác của doanh nghiệp, chi nhánh có ưu điểm vượt bậc là doanh nghiệp có thể thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm chức năng hoạt động kinh doanh và chức năng đại diện theo ủy quyền. Theo đó, chi nhánh được thực hiện những hoạt động kinh doanh vì mục đích sinh lời trong phạm vi ngành, nghề kinh doanh mà doanh nghiệp đã đăng ký. Ngoài ra, chi nhánh cũng được thực hiện các hoạt động đã được doanh nghiệp ủy quyền.
Quyền và nghĩa của chi nhánh
Theo Luật Thương mại 2005, chi nhánh có các quyền và nghĩa vụ như sau:
– Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của Chi nhánh.
– Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại Chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Giao kết hợp đồng tại Việt Nam phù hợp với nội dung hoạt động được quy định trong giấy phép thành lập Chi nhánh và theo quy định của pháp luật.
– Mở tài khoản bằng đồng Việt Nam, bằng ngoại tệ tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam.
– Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Có con dấu mang tên Chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động thương mại khác phù hợp với giấy phép thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Thực hiện chế độ kế toán theo quy định của pháp luật Việt Nam; trường hợp cần áp dụng chế độ kế toán thông dụng khác thì phải được Bộ Tài chính nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chấp thuận.
– Báo cáo hoạt động của Chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Với những ưu điểm vượt trội và đặc điểm nêu trên, nếu có nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp có thể lựa chọn thành lập chi nhánh.
Hồ sơ thành lập chi nhánh
Căn cứ quy định của pháp luật hiện hành, doanh nghiệp muốn thành lập chi nhánh phải nộp hồ sơ đăng ký thành lập chi nhánh tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi chi nhánh đặt trụ sở. Theo đó, hồ sơ đăng ký thành lập chi nhánh bao gồm:
– Thông báo thành lập chi nhánh do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
– Bản sao nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc thành lập chi nhánh và bổ nhiệm người đứng đầu chi nhánh;
– Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đứng đầu chi nhánh;
– Giấy ủy quyền cho người thực hiện thủ tục đăng ký thành lập chi nhánh (nếu người thực hiện thủ tục không phải là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp);
– Giấy tờ pháp lý của người được ủy quyền đăng ký thành lập chi nhánh.
Những lưu ý khi thành lập chi nhánh
Thứ nhất: Ngành nghề kinh doanh của chi nhánh
Một trong những ưu điểm vượt trội của chi nhánh là chi nhánh được phép tiến hành các hoạt động kinh doanh vì mục đích sinh lời. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp đã đăng ký tại Cơ quan đăng ký kinh doanh.
Thứ hai: Về việc đặt tên chi nhánh
Căn cứ 40 Luật Doanh nghiệp 2020, tên chi nhánh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.
Tên chi nhánh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Chi nhánh”. Ngoài ra, tên chi nhánh phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chi nhánh. Bên cạnh đó, tên chi nhánh được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do chi nhánh phát hành.
Thứ ba: Một doanh nghiệp có thể thành lập nhiều chi nhánh
Khi có nhu cầu mở rộng thị trường kinh doanh, doanh nghiệp có quyền thành lập chi nhánh ở trong nước hoặc ở nước ngoài. Đặc biệt, tại một địa phương nhưng doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều chi nhánh khác nhau.
Nếu thành lập chi nhánh ở trong nước thì doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định của pháp luật Việt Nam. Còn đối với chi nhánh thành lập ở nước ngoài thì doanh nghiệp sẽ phải thực hiện theo quy định của pháp luật nước đó.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chính thức lập chi nhánh ở nước ngoài, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Kèm theo thông báo phải có bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh hoặc giấy tờ tương đương. Phòng Đăng ký kinh doanh có trách nhiệm cập nhật thông tin về chi nhánh của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo.
Thứ tư: Về việc làm biển cho chi nhánh công ty
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh cho doanh nghiệp. Sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hoạt đông chi nhánh, doanh nghiệp phải tiến hành làm biển chi nhánh công ty, nội dung gồm 3 thông tin: Mã số thuế, tên chi nhánh, địa chỉ trụ sở chi nhánh và thực hiện treo biển tại địa chỉ chi nhánh trong suốt thời gian hoạt động.
Trên đây là nội dung bài viết “Khi nào phải thành lập chi nhánh” mà chúng tôi gửi đến bạn đọc. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.
->>> Tham khảo thêm: Thành lập địa điểm kinh doanh
->>> Tham khảo thêm: Thay đổi đăng ký kinh doanh