Hotline: 0981.393.686 - 0981.059.868

Email: lienhe@luathoangphi.vn

Chúng tôi trên mạng xã hội: 
Trang chủ » Hỏi đáp doanh nghiệp » Giám đốc công ty TNHH có đồng thời làm giám đốc chi nhánh được không?

Giám đốc công ty TNHH có đồng thời làm giám đốc chi nhánh được không?

Luật doanh nghiệp cũng không có quy định về việc hạn chế giám đốc công ty TNHH hai thành viên trở lên có được đồng thời làm giám đốc chi nhánh công ty hay không vì vậy giám đốc công ty TNHH hai thành viên trở lên vẫn được đồng thời làm giám đốc chi nhánh.

Sau khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn do nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh nên nhiều công ty thường mở thêm các chi nhánh công ty. Vấn đề được đặt ra là Giám đốc công ty TNHH có đồng thời làm giám đốc chi nhánh được không? Quý độc giả hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.

Công ty TNHH là gì?

Công ty trách nhiệm hữu hạn là loại hình doanh nghiệp do một cá nhân/tổ chức hoặc nhiều cá nhân/tổ chức (không quá 50) tham gia góp vốn thành lập công ty, công ty trách nhiệm hữu hạn có tư cách pháp nhân sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành có hai loại hình công ty TNHH là công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH hai thành viên trở lên.

Thủ tục thành lập công ty TNHH như thế nào?

Để thành lập công ty TNHH cần thực hiện theo thủ tục sau đây:

Thứ nhất, lựa chọn loại hình công ty

Căn cứ vào quy mô hoạt động, số lượng thành viên, vốn, ngành nghề kinh doanh,….để lự chọn loại hình công ty TNHH phù hợp, theo quy định của pháp luật hiện nay có hai loại hình công ty TNHH là công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH hai thành viên trở lên.

Thứ hai, chuẩn bị các thông tin cần thiết để thành lập công ty

Sau khi đã lựa chọn được loại hình công ty phù hợp sẽ tiến hành chuẩn bị các thông tin cần thiết như tên công ty, trụ sở chính của công ty, ngành nghề kinh doanh, vốn điều lệ,…cụ thể như sau:

– Tên công ty

+ Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây: Loại hình doanh nghiệp; Tên riêng.

+ Loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.

+ Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

– Địa chỉ trụ sở chính:

Trụ sở chính của công ty đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

– Ngành nghề kinh doanh

Công ty được đăng ký kinh doanh ngành nghề kinh doanh, đầu tư theo quy định pháp luật Việt Nam. Cơ sở pháp lý để công ty lựa chọn và đăng ký mã ngành kinh doanh theo quy định sẽ căn cứ vào Quyết định 27/2018 Hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam.

– Vốn điều lệ

Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu công ty cam kết góp vào công ty khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và được ghi trong Điều lệ công ty.

Thứ ba, soạn thảo hồ sơ thành lập công ty TNHH

Hồ sơ thành lập công ty TNHH một thành viên bao gồm:

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

– Điều lệ công ty.

– Bản sao các giấy tờ sau đây:

+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước); Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.

Đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

– Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hồ sơ thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên bao gồm:

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

– Điều lệ công ty.

– Danh sách thành viên đối với công ty;

– Bản sao các giấy tờ sau đây:

+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.

Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

– Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thứ tư, nộp hồ sơ thành lập công ty TNHH đến cơ quan có thẩm quyền

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định thì chủ công ty hoặc người được ủy quyền sẽ nộp hồ sơ đến Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư nơi công ty đặt trụ sở chính.

Thứ năm, nhận kết quả

– Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu hồ sơ hợp lệ Phòng đăng ký kinh doanh sẽ ra thông báo phản hồi và sẽ Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

– Nếu hồ sơ không hợp lệ thì cơ quan có thẩm quyền sẽ ra thông báo và trả hồ sơ về để giải quyết thiếu xót và chỉnh sửa, bổ sung.

Điều kiện để trở thành giám đốc công ty TNHH

– Điều kiện để trở thành giám đốc công ty TNHH một thành viên

+ Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Doanh nghiệp 2020.

+ Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty và điều kiện khác do Điều lệ công ty quy định.

– Điều kiện để trở thành giám đốc công ty TNHH hai thành viên trở lên

+ Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Doanh nghiệp 2020.

+ Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty và điều kiện khác do Điều lệ công ty quy định.

+ Đối với doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp 2020 và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp 2020 Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 64 Luật Doanh nghiệp 2020 và không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý công ty, Kiểm soát viên của công ty và của công ty mẹ; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty và công ty mẹ.

Chi nhánh công ty là gì?

Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của công ty, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của công ty, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của công ty.

Vậy Giám đốc công ty TNHH có đồng thời làm giám đốc chi nhánh được không? quý độc giả hãy cùng theo dõi nội dung dưới đây nhé.

Giám đốc công ty TNHH có đồng thời làm giám đốc chi nhánh được không ?

Đối với công ty TNHH một thành viên

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 82 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:

“Điều 82. Giám đốc, Tổng giám đốc

2. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;

b) Quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty;

c) Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;

d) Ban hành quy chế quản lý nội bộ của công ty;

đ) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;

e) Ký hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;

g) Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức công ty;

h) Trình báo cáo tài chính hằng năm lên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;

i) Kiến nghị phương án sử dụng lợi nhuận hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;

k) Tuyển dụng lao động;

l) Quyền và nghĩa vụ khác được quy định tại Điều lệ công ty và hợp đồng lao động.”

Căn cứ theo quy định trên thấy được rằng không có quy định hạn chế đối với giám đốc công ty TNHH một thành viên về vấn đề có được đồng thời làm giám đốc chi nhánh hay không. Vì vậy nếu công ty bổ nhiệm thì giám đốc công ty TNHH một thành viên vẫn có thể đồng thời làm giám đốc chi nhánh.

Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 63 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:

” Điều 63. Giám đốc, Tổng giám đốc

2. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên;

b) Quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty;

c) Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;

d) Ban hành quy chế quản lý nội bộ của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;

đ) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý trong công ty, trừ chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên;

e) Ký kết hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên;

g) Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức công ty;

h) Trình báo cáo tài chính hằng năm lên Hội đồng thành viên;

i) Kiến nghị phương án sử dụng và phân chia lợi nhuận hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;

k) Tuyển dụng lao động;

l) Quyền và nghĩa vụ khác được quy định tại Điều lệ công ty, nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên, hợp đồng lao động.”

Theo quy định này thấy được luật doanh nghiệp cũng không có quy định về việc hạn chế giám đốc công ty TNHH hai thành viên trở lên có được đồng thời làm giám đốc chi nhánh công ty hay không. Vì vậy giám đốc công ty TNHH hai thành viên trở lên vẫn được đồng thời làm giám đốc chi nhánh.

Trên đây là nội dung bài viết của Luật sư doanh nghiệp về vấn đề Giám đốc công ty TNHH có đồng thời làm giám đốc chi nhánh được không? Mong rằng sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho quý độc giả.

Để lại tin nhắn cho chúng tôi!