Hotline: 0981.393.686 - 0981.059.868

Email: lienhe@luathoangphi.vn

Chúng tôi trên mạng xã hội: 
Trang chủ » Tin Tức Đời Sống Pháp Luật » Lập vi bằng là gì?

Lập vi bằng là gì?

Hiện nay, thuật ngữ vi bằng hay lập vi bằng không còn quá xa lạ đặc biệt là trong các giao dịch mua bán nhà đất. Vi bằng ngày càng được nhiều người sử dụng để tạo căn cứ trước Tòa cho hợp đồng và các giao dịch dân sự. Mặc dù hiện nay lập vi bằng rất quen thuộc nhưng giá trị pháp lý của vi bằng như thế nào thì không phải ai cũng nắm được. Đề cập

Hiện nay, thuật ngữ vi bằng hay lập vi bằng không còn quá xa lạ đặc biệt là trong các giao dịch mua bán nhà đất. Vi bằng ngày càng được nhiều người sử dụng để tạo căn cứ trước Tòa cho hợp đồng và các giao dịch dân sự. Mặc dù hiện nay lập vi bằng rất quen thuộc nhưng giá trị pháp lý của vi bằng như thế nào thì không phải ai cũng nắm được. Đề cập tới vấn đề này, Luật Hoàng Phi đưa tới Quý khách hàng những thông tin cần thiết với chủ đề Lập vi bằng là gì?

Lập vi bằng là gì?

Vi bằng là một thuật ngữ pháp lý được quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP. Theo đó, vi bằng được hiểu là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự  kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự trừ các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng, đời tư, đạo đức xã hội và các trường hợp pháp luật cấm.

Với quy định này, vi bằng được lập dùng làm chứng cứ cho tổ chức, cá nhân sử dụng trong xét xử hoặc các quan hệ pháp lý khác và việc lập vi bằng của Thừa phát lại có một số đặc điểm, yêu cầu sau:

– Hình thức của vi bằng là văn bản, văn bản này phải do chính Thừa phát lại lập, họ không được ủy quyền hay nhờ người khác lập và ký tên thay mình trên vi bằng

– Việc lập vi bằng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về hình thức và nội dung của văn bản

– Vi bằng ghi nhận các sự kiện cũng như hành vi do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến. Đây là kết quả của quá trình quan sát trực quan và được phản ánh một cách khách quan, trung thực trong một văn bản dp Thừa phát lại lập

– Vi bằng do Thừa phát lại lập theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật được dùng là chứng cứ và có giá trị chứng minh

Lập vi bằng ở đâu?

Hiện nay, việc lập vi bằng được thực hiện tại Văn phòng thừa phát lại. Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.

Căn cứ quy định tại Điều 3 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP thì văn phòng Thừa phát lại được thực hiện những công việc sau:

– Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan

– Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật

– Xác minh điều kiện

Giá trị của việc lập vi bằng

Theo cách giải thích cho câu hỏi lập vi bằng là gì? trên đây có thể thấy:

– Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực hay văn bản hành chính khác

– Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; đây là căn cứ để thực hiện các giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Vi bằng không được quy định cụ thể về thời hiệu tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và cả từ các văn bản khác trước đó. Vi bằng được lập và đăng ký sẽ có giá trị chứng cứ tại thời điểm đăng ký và sẽ không bị mất giá trị nếu như không bị hủy bởi Tòa án.

Thủ tục lập vi bằng mới nhất

Ngoài việc trả lời được câu hỏi lập vi bằng là gì? thì thủ tục lập vi bằng như thế nào cúng là vấn đề mà Quý khách hàng cần nắm được trong trường hợp có nhu cầu lập vi bằng. Thủ tục lập vi bằng sẽ được thực hiện theo các bước sau đây::

Bước 1: Xác nhận trường hợp sự kiện, hành vi muốn lập vi bằng

Chủ thể có nhu cầu lập vi bằng cần đánh giá, xem xét sự kiện, hành vi muốn lập vi bằng có đúng quy định pháp luật có cho phép được lập vi bằng hay không?

Bước 2: Thỏa thuận việc lập vi bằng với văn phòng thừa phát lại

Trường hợp có nhu cầu muốn lập vi bằng, người có yêu cầu phải thỏa thuận bằng văn bằng với trưởng văn phòng thừa phát lại về việc lập vi bằng với các nội dung chủ yếu như:

– Nội dung vi bằng cần lập

– Địa điểm, thời gian lập vi bằng

– Chi phí lập vi bằng

– Các thỏa thuận khác (nếu có)

Bước 3: Thừa phát lại sẽ tiến hành thủ tục lập vi bằng

Thừa phát lại phải trực tiếp chứng kiến, lập vi bằng và chịu trách nhiệm trước người yêu cầu và trước pháp luật về vi bằng do mình lập. Việc ghi nhận sự kiện, hành vi trong vi bằng phải khách quan, trung thực. Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng.

Bước 4: Giao vi bằng đã lập cho người có nhu cầu lập vi bằng

Vi bằng phải được gửi cho người yêu cầu và được lưu trữ tại văn phòng Thừa phát lại theo yêu cầu của pháp luật về lưu trữ như đối với văn bản công chứng

Bước 5: Gửi vi bằng đã được lập đến Sở tư pháp

Trong thời hạn 03 làm việc, kể từ ngày kết thúc việc lập vi bằng, văn phòng thừa phát lại sẽ gửi vi bằng cùng với tài liệu chứng minh (nếu có) đến Sở Tư pháp nơi văn phòng thừa phát lại đặt trụ sở để vào sổ đăng ký. Trong thời hạn 02 ngày là việc, kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở tư pháp phải ghi vào sổ đăng ký vi bằng.

Bài viết với chủ đề lập vi bằng là gì? trên đây của Luật Hoàng Phi đã phần nào đưa tới Quý khách hàng những thông tin về việc lập vi bằng. Trường hợp Quý khách hàng còn bất cứ vướng mắc nào, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc.

->>> Tham khảo thêm : Công chứng vi bằng

->>> Tham khảo thêm : Lý lịch tư pháp

Để lại tin nhắn cho chúng tôi!