Đăng ký nhãn hiệu sản phẩm rượu
Thông tin của đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố sẽ bao gồm mẫu nhãn hiệu, thông tin của chủ sở hữu, người nộp đơn và danh sách các sản phẩm áp dụng nhãn hiệu.
Trên thị trường Việt Nam hiện nay có rất nhiều sản phẩm rượu giả, rượu pha loãng từ cồn được đưa ra buôn bán, tiêu thụ. Vì vậy người tiêu dùng rất quan tâm đến vấn đề chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của các loại rượu. Theo đó Đăng ký nhãn hiệu sản phẩm rượu cũng là cách để các doanh nghiệp sản xuất rượu tạo niềm tin đối với khách hàng.
Tại sao nên đăng ký nhãn hiệu sản phẩm rượu?
Cần tiến hành đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm rượu bởi vì:
– Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có cồn cao ở châu Á cũng như trên thế giới. Vì vậy thị trường rượu ở Việt Nam rất lớn và tiềm năng, kéo theo đó là sự cạnh tranh giữa các thương hiệu trong và ngoài nước ngày càng lớn. Để bảo vệ nhãn hiệu sản phẩm rượu thì cần tiến hành đăng ký nhãn hiệu.
– Đăng ký nhãn hiệu sản phẩm rượu sẽ ngăn cản các tổ chức, cá nhân khác sử dụng nhãn hiệu rượu của bạn một cách trái phép hoặc đăng ký nhãn hiệu tương tự.
– Việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm rượu sẽ là cơ sở pháp lý cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm của các chủ thể khác trên thị trường.
Ai có quyền đăng ký nhãn hiệu sản phẩm rượu?
Theo quy định tại Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 13 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ 2009 quy định về quyền đăng ký nhãn hiệu như sau:
– Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.
– Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.
– Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể;
+ Đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó;
+ Đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
– Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó;
+ Đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
– Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với những điều kiện sau đây:
+ Việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hoá, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh;
+ Việc sử dụng nhãn hiệu đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ.
Như vậy các tổ chức, cá nhân theo quy định như trên có quyền Đăng ký nhãn hiệu sản phẩm rượu.
Các bước đăng ký nhãn hiệu sản phẩm rượu
Bước 1: Tra cứu nhãn hiệu sản phẩm rượu dự định đăng ký
Có thể lựa chọn tra cứu bằng một trong hai cách như sau:
– Tra cứu sơ bộ: Nhãn hiệu sẽ được tra cứu trên website của Cục sở hữu trí tuệ. Mặc dù thời gian xử lý ngắn những tỷ lệ chính xác của phương pháp này thường không cao.
– Tra cứu chuyên sâu: Nhãn hiệu sản phẩm cho rượu sẽ được tra cứu bởi các chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Thời gian xử lý tra cứu chuyên sâu là từ 3 ngày đến 7 ngày với tỷ lệ chính xác cao.
Bước 2: Nộp đơn Đăng ký nhãn hiệu sản phẩm rượu
Có thể nộp trực tiếp hoặc nộp qua bưu điện đến văn phòng Cục Sở hữu Trí tuệ tại thành phố Hà Nội hoặc văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng hoặc Thành phố Hồ Chí Minh.
Bước 3: Thẩm định hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu
Giai đoạn này thường mất khoảng 01 tháng kể từ ngày nộp. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ thẩm định các yêu cầu về hình thức của đơn đăng ký nhãn hiệu để xác định xem đơn đăng ký có hợp lệ hay không hợp lệ.
Bước 4: Công bố đơn đăng ký nhãn hiệu
Nếu đơn đăng ký nhãn hiệu hợp lệ sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp trong vòng 02 tháng kể từ ngày có quyết định hợp lệ.
Thông tin của đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố sẽ bao gồm mẫu nhãn hiệu, thông tin của chủ sở hữu, người nộp đơn và danh sách các sản phẩm áp dụng nhãn hiệu.
Bước 5: Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu
Việc thẩm định nội dung đơn không quá 09 tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố. Tuy nhiên thực tế thời gian này có thể kéo dài hơn.
Ở bước này đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ được các cơ quan chức năng đánh giá để xác định xem có nhãn hiệu nào đã được đăng ký bảo hộ và giống với nhãn hiệu dự định đăng ký hay không.
Đây là một giai đoạn rất quan trọng và là cơ sở để đánh giá khả năng cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu rượu.
Bước 6: Cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Sau khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định thì sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trong vòng 01 tháng kể từ ngày thanh toán tất cả các khoản phí và lệ phí theo quy định.
Phí nộp đơn đăng ký nhãn hiệu sản phẩm rượu bao nhiêu tiền?
– Lệ phí nộp đơn là 150.000VNĐ;
– Phí công bố đơn là 20.000VNĐ;
– Phí tra cứu phục vụ TĐND là 180.000VNĐ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ;
– Phí tra cứu cho sản phẩm, dịch vụ thứ 7 trở đi là 30.000VNĐ/01 sản phẩm, dịch vụ;
– Phí thẩm định nội dung là 550.000VNĐ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ;
– Phí thẩm định nội dung cho sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi là 120.000VNĐ/01 sản phầm, dịch vụ.
->>> Tham khảo thêm: Tra cứu nhãn hiệu
->>> Tham khảo thêm: Đăng ký nhãn hiệu logo