“Ông lớn” mỳ ăn liền mơ quay trở lại thời hoàng kim
Không cam chịu để vị thế bị lung lay, các ông lớn trên thị trường mỳ ăn liền Việt Nam đang tìm mọi cách để đưa ngành này phát triển trở lại thời hoàng kim.
Kido Group buông mỳ ăn liền
Gây hại cho gan, lão hóa sớm, béo phì, thiếu chất dinh dưỡng, có thể dẫn đến ung thư… là những thông tin tràn lan trên Internet về món ăn khoái khẩu của người Việt Nam – mỳ ăn liền. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến người tiêu dùng hoang mang về tính an toàn của mỳ ăn liền, làm mức độ tiêu thụ sản phẩm này giảm mạnh trong vài năm trở lại đây.
Sức tiêu thụ mỳ ăn liền đã giảm mạnh trong vài năm trở lại đây khiến các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này không khỏi lao đao
Ngoài ra, thị trường thức ăn chế biến sẵn đang có dấu hiệu bão hòa vì có thêm khá nhiều dạng thực phẩm tham gia thị trường. Thực tế này khiến các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này không khỏi lao đao và Kido Group là một ví dụ điển hình. Tập đoàn này đã quyết định dừng kinh doanh mảng mỳ ăn liền (thương hiệu Đại Gia Đình) từng được kỳ vọng sẽ mang về nguồn thu lớn. Nguyên nhân được xác định là thời hoàng kim của mỳ ăn liền đã kết thúc, sức tiêu thụ ngày càng đi xuống, trong khi Công ty chỉ mới tham gia thị trường nên gặp nhiều khó khăn.
Trước đó, năm 2014, Kido Group đã bắt tay hợp tác với Saigon Ve Wong, doanh nghiệp 100% vốn Đài Loan, được biết đến với thương hiệu A One để phát triển ngành hàng mỳ ăn liền. Theo đó, Saigon Ve Wong sẽ thực hiện gia công sản phẩm cho Kido Group thông qua xây nhà máy 30 triệu USD tại VSIP Bắc Ninh. Khi đó, Kido Group cho biết, công suất ban đầu của nhà máy là 6 triệu thùng sản phẩm/năm và dự kiến đến năm 2017 nâng lên 12 triệu thùng. Sau nhà máy đầu tiên tại VSIP Bắc Ninh, hai tên tuổi này dự kiến cùng xây dựng thêm các nhà máy tại khu vực miền Trung, miền Nam, miền Tây để mở rộng công suất trong tương lai.
Động thái Kido Group tuyên bố nhảy vào thị trường mỳ ăn liền trong bối cảnh thị trường này có dấu hiệu bão hoà gây ra nhiều phản ứng trái chiều của dư luận, cũng như của đối thủ. Tuy nhiên, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông 2016, bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Phó tổng giám đốc Kido Group trấn an các cổ đông rằng: “Thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều không gian để phát triển. Kido Group phải đi bằng những con đường riêng để nằm ở top 3 trên thị trường”.
Việc Kido Group tuyên bố buông mảng mỳ ăn liền mới đây đã khiến các tên tuổi trên thị trường từ phân khúc cao cấp đến bình dân phần nào thở phào nhẹ nhõm, vì bớt đi một đối thủ cạnh tranh.
Ông lớn quyết tăng tốc trở lại
Những diễn biến trên thị trường thời gian qua cho thấy, ngành mỳ ăn liền Việt Nam đang gặp khó khăn nhất định. Dù nắm giữ tới hơn 50% thị phần, nhưng doanh thu của Acecook liên tục giảm trong thời gian qua, từ 10.000 tỷ đồng từ năm 2013 xuống còn khoảng 9.000 tỷ đồng trong năm 2014 và 2015.
Trong khi đó, Masan Consumer chiếm khoảng 25% thị phần, với nhiều nhãn hiệu từ phân khúc cao cấp tới bình dân như Omachi, Kokomi, Sagami và Komi. Năm 2016, ngành hàng thực phẩm tiện lợi (mỳ ăn liền) của tên tuổi này có doanh thu giảm 11,7%, do việc giảm quy mô thị trường, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt về giá.
Tuy vậy, ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam vẫn khẳng định, thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng lớn và Công ty quyết tâm đưa ngành hàng này phát triển trở lại. Vấn đề là doanh nghiệp có tìm ra sản phẩm phù hợp và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hay không.
So với nhiều năm trước, người tiêu dùng hiện có nhiều lựa chọn hơn, vì có khá nhiều dạng thực phẩm chế biến tham gia thị trường. Trong bối cảnh này, Acecook quyết định cạnh tranh bằng chất lượng, không cạnh tranh về giá. Từ năm 2014, tên tuổi này tập trung phát triển các dòng sản phẩm từ cấp trung trở lên để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Do đó, cơ cấu doanh thu của Công ty cũng có sự thay đổi. Từ tháng 5/2016, Công ty đã tích cực truyền thông các thông tin đúng về mỳ ăn liền, nên đã có được kết quả kinh doanh đáng khích lệ trong năm 2016, với mức tăng doanh thu khoảng 8% so với 2015.
Năm 2017, mục tiêu của Acecook là đạt mức tăng doanh thu 10% so với năm 2016. Công ty sẽ tập trung đầu tư để phát triển các sản phẩm mỳ cup (mì dạng ly, tô, khay). Hiện mỳ cup chiếm khoảng 5% sản lượng bán hàng của Acecook và Công ty đặt mục tiêu tăng lên 10% trong năm 2017.
Đối với mì gói, Acecook cũng đang tiến hành nghiên cứu để đưa ra thị trường những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nâng cao tính dinh dưỡng nhằm đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của người tiêu dùng. Cuối năm 2016, Công ty đã tung ra sản phẩm mì tô Wakame có thêm nhiều rong biển giúp bổ sung canxi, sắt, chất xơ… và được người tiêu dùng đón nhận. “Từ nay về sau, Acecook Việt Nam cũng sẽ tập trung phát triển những sản phẩm tương tự như vậy”, bà Trần thị Bích Vân, Trưởng bộ phận Truyền thông của Acecook cho biết.
Ngoài ra, các sản phẩm phở, hủ tíu, miến cũng được Acecook chú trọng trong năm 2017 nhằm nâng cao giá trị nguyên liệu thô của Việt Nam, nhất là hạt gạo. Hiện Công ty đang xuất khẩu sản phẩm đi hơn 46 quốc gia khác trên toàn thế giới, trong đó có những quốc gia rất khắt khe về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm như Mỹ, Canada, các nước châu Âu, Australia, Nhật Bản… Acecook khẳng định, không chỉ bán những sản phẩm này cho người châu Á mà còn cho cả những người bản địa tại các quốc gia xuất khẩu.
Trong khi đó, đối thủ mới của Acecook và Masan ở phân khúc cao cấp là Nissin Foods (Nhật Bản). Xuất hiện trên thị trường Việt Nam từ năm 2011 bằng việc thành lập Công ty TNHH Thực phẩm Nissin Việt Nam, Nissin đã rót 41 triệu USD đầu tư một nhà máy sản xuất mỳ có diện tích hơn 60.000 m2 ở Bình Dương. Năm 2016, Nissin đã tung dòng sản phẩm thế mạnh nhất của mình là Cup Noodles phiên bản Việt Nam, với 2 hương vị là Hải sản Nhật Bản (Japanese Seafood) và Thái Tom Yum (Thai Tom Yum). Trước mắt, Nissin tập trung đẩy mạnh bán hàng ở các chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi.
Rõ ràng, để bảo vệ vị thế của mình, các tên tuổi lớn trên thị trường quyết tâm tập trung đưa ngành hàng mỳ ăn liền phát triển trở lại thông qua việc phát triển những hương vị, sản phẩm mới theo hướng bổ sung dinh dưỡng. Trong khi các doanh nghiệp nhỏ tập trung vào các khu vực trọng yếu và thấu hiểu người tiêu dùng trong nước, thì các doanh nghiệp dẫn đầu ngành lại tập trung vào các thị trường chiến lược và tận dụng sức mạnh danh mục sản phẩm đa dạng của mình để đẩy hàng tốt hơn.